Xem bài viết đơn
  #2  
Cũ 11-11-2010, 05:01 PM
vietkhanh08's Avatar
vietkhanh08 vietkhanh08 is offline
Member
 
Bài gửi: 81
Post Hạnh nguyện của đức Dược Sư Như Lai ( tiếp theo)

  ẢNH HƯỞNG CUỘC SỐNG TINH THẦN TÍN NGƯỠNG

Phàm là con người ai cũng muốn sống một cuộc đời hạnh phúc an lành, cho dù là bần nông hay trí thức. Nhưng đường đời có bao giờ thuận theo ý muốn của con người. Do vậy, những vấn đề trong cuộc sống khó có thể giải quyết được, chắc chắn họ sẽ tìm đến tôn giáo.

Điều đó có nghĩa là trong cuộc sống, tinh thần tín ngưỡng ảnh hưởng rất lớn đến đời sống tâm linh của mỗi cá nhân. Đa phần, niềm tin bị hạn chế bởi những người đặt nặng vật chất lên trên đời sống tinh thần.

Vì thế, mặc dù hằng ngày có trì niệm, đọc tụng kinh Dược Sư, nhưng hiệu quả rất thấp, đó là vì họ không thành tâm thành ý. Mỗi hạnh nguyện có một công năng đặc thù, nếu trong đời này, bất cứ hành giả nào khi có tín tâm rồi nên phát nguyện sanh về cõi Tịnh Lưu Ly của đức Phật Dược Sư. Sự phát nguyện này, đòi hỏi hành giả phải ứng dụng 12 lời nguyện vào cuộc sống để phát huy công đức lành của tự tâm, đưa tâm mình thể nhập chân lý tuyệt đối.

Như vậy, niềm tin tín ngưỡng tác động đến hiện thực cuộc đời qua 12 hạnh nguyện của đức Phật Dược Sư. Thực sự, nó ảnh hưởng rất sâu sắc và vô cùng quan trọng trong cuộc sống hằng ngày của người đệ tử Phật.

Những hạnh nguyện đó ví như những viên thuốc đặc trị tâm bệnh của chúng sanh và cũng là chân giá trị bất hủ. Bởi vì, sự hành trì hiện tại vẫn mang lại hữu ích cho hành giả tu tập “Bản nguyện công đức của đức Dược Sư Lưu Ly Quang Như Lai.”


HÌNH ẢNH BIỂU TRƯNG VÀ GIÁ TRỊ HIỆN THỰC

DuocSuPhat.gif picture by barbiemodel

Theo hình tượng hiện nay, chân dung đức Phật Dược Sư được tín ngưỡng xưa nay có tóc xoắn ốc, tay trái cầm bình thuốc, tay trái phải kiết Ấn thí vô úy. Hai bên có hai vị Bồ-tát làm thị giả đó là Bồ-tát Nhật Quang và Bồ-tát Nguyệt Quang. Đây là hình tượng được gọi là Dược Sư Tam Tôn.

Về hình tượng tóc xoắn ốc là một trong những tướng tốt của đức Phật, tay cầm bình thuốc biểu thị cho ý nghĩa đức Phật Dược Sư có vô lượng công đức, báu vật và diệu pháp mầu nhiệm để giúp hành giả tu tập, chuyển hóa tự thân. Điều đặc biệt ở đây là tay phải Ngài kiết Ấn vô úy. Vô úy chính là không sợ hãi, hình ảnh đó với mục đích giúp cho chúng sanh có niềm tin vững chắc để thiết lập sự bình yên cho thân và tâm.

Hai vị Bồ-tát đứng hầu đức Phật Dược Sư là biểu trưng cho Căn bản trí (Nhật Quang Biến Chiếu) và Hậu đắc trí (Nguyệt Quang Biến Chiếu). Điều đó, xác định mọi phương tiện mà Ngài vận dụng đều phát xuất từ hai trí này. Hơn nữa, Lưu Ly là chỉ cho một trong bảy báu vật, đó là loại đá quý màu xanh. Màu xanh là biểu thị lòng từ bi và sự sống.

Thế nên đức Phật Dược Sư là tổng thể, bao hàm mọi hình ảnh, có tác dụng khai phóng tâm thức hành giả. Từ ý nghĩa trên có thể khẳng định rằng mỗi chúng ta là mỗi đức Phật Dược Sư, nếu phát huy tận cùng công đức trí tuệ và diệu pháp nhiệm mầu của bản tâm.

Như vậy, từ hình ảnh biểu trưng đã làm nổi bật giá trị hiện thực. Đức Dược Sư Như Lai đã trang nghiêm tự thân và cõi nước của Ngài bằng 12 đại nguyện. Từ khi phát tâm, lập nguyện cho đến ngày chứng đắc quả Vô thượng chánh đẳng chánh giác là cả quá trình hành Bồ-tát đạo. Đây là kết quả của sự nỗ lực, tinh tấn không ngừng trong việc tu tập, ban vui cứu khổ cho chúng sanh nhiều đời.


Ở đây, dựa trên 12 đại nguyện, chúng ta thấy đức Phật Dược Sư đã xây dựng mô hình Tịnh độ, trong đó lấy chúng sanh làm trung tâm để hoàn thiện bổn nguyện. Do đó, nội dung của mỗi lời nguyện đều nói lên mục đích cứu khổ chúng sanh. Chúng sanh là đối tượng để Bồ-tát thực hiện viên mãn về hạnh nguyện.

Hơn nữa, sự thành tựu của mỗi vị Phật, ngoài yếu tố hạnh nguyện, mục đích còn phải cụ thể hóa bằng hành động. Chính hành động lợi mình, lợi người là điều kiện căn bản để trang nghiêm cho báo thân Phật (Chánh báo) và cõi nước (Y báo) đạt đến hoàn bị.

Trên cơ sở đó, sự tôn kính lễ bái đi đôi với việc thực hành 12 đại nguyện sẽ giúp chúng ta xây dựng cõi nước trang nghiêm thanh tịnh như Ngài. Điều đó, hành giả phải hoàn thiện trên hai mặt nghiêm tịnh tự thân và trang nghiêm cõi nước.

Về tự thân, chúng ta phải giữ gìn Tam tụ tịnh giới, thực tập thiền định, phát huy trí tuệ vô lậu để chuyển hóa những ý niệm tham muốn, hờn giận, si mê, ích kỷ, ghen ghét, chấp ngã, chấp pháp, v.v… trở về tự tánh sáng suốt, bình đẳng, thanh tịnh. Sự chuyển hóa đó cần phải thực hiện với tâm vô trú, vô hành.

Đây cũng là cách kiến tạo thế giới Tịnh độ ngay trong lòng mình. Song song với việc hoàn thiện tự thân, hành giả còn phải tu tập hạnh Bồ-tát trên cơ sở 12 đại nguyện, lấy chúng sanh làm đối tượng, hướng dẫn họ đạt đến an lạc và giải thoát; Làm được điều này cũng có nghĩa là kết duyên quyến thuộc với chúng sanh, cùng sống chan hòa với ánh đạo, biến cõi Ta-bà thành cõi Phật.

Ngày nay, có những quan niệm, khuynh hướng và hành động đẩy nhân loại đến vực thẳm tương tàn, tương sát… nhất là nạn chiến tranh, khủng bố, thù hận, bệnh tật đang hoành hành. Là người Phật tử tại sao chúng ta không đem 12 hạnh nguyện của đức Phật Dược Sư ứng dụng trong đời sống tự thân cũng như xã hội, giúp họ một hướng đi đích thực, kiến tạo nền hòa bình, tự do và thịnh vượng?

Đức Phật Dược Sư là bậc Đạo sư đầy đủ diệu pháp, diệu dược, có khả năng hóa giải mọi khổ đau cho chúng sanh. Qua 12 hạnh nguyện cũng như sự thành tựu viên mãn về thế giới Tịnh Lưu Ly của Ngài, đã dạy cho chúng ta nhiều bài học vô giá, mang tính thực tiễn cao trên con đường tu tập và hành Bồ-tát đạo.

Tuệ Giác
Trả Lời Với Trích Dẫn