Mẹ chồng nàng dâu - làm thế nào để cơm lành canh ngọt?
- Hỏi: Chồng tôi là con một. Cuộc sống hôn nhân của chúng tôi bắt đầu khó chịu khi tôi có con.
Khi tôi có thai gia đình chồng thờ ơ, nhưng khi hay đó là con trai thì họ lại quan tâm thái quá - song chỉ dừng lại ở lời nói. Mọi sự chăm sóc tôi đều do mẹ ruột lo lắng. Rồi khi tôi sinh con xong, mẹ chồng yêu cầu chúng tôi về quê chồng để bà lo. Nhưng nhà chồng quá chật hẹp, lại không tiện việc chăm sóc cho con của tôi nên tôi không đồng ý về. Thế là ngày nào mẹ chồng cũng gọi điện thoại hờn trách làm tôi bị tắc sữa, không thể cho con bú.
Những ngày tôi nghỉ sinh con, chồng tôi lại sinh thói cờ bạc nên bị mất việc. Tuy nhiên, khó khăn đó làm tôi thêm quyết tâm thà đi cày lo cho chồng con hơn là phải về nhà chồng sống. Con trai tôi bệnh hoài nên tôi phải đưa con về để bà ngoại chăm sóc. May mắn là hiện giờ chồng tôi đã xin được công việc mới.
Còn mẹ chồng tôi ngoài việc gây áp lực cho tôi, còn xúc phạm mẹ ruột tôi trước mặt vợ chồng tôi... làm tôi rất buồn lòng, thậm chí là hận nữa. Chưa kể mẹ chồng tôi hay sĩ diện, thích khoe mình giàu, khoe cháu với nhiều người khi bé mới sinh ra (đáng lẽ phải kiêng cữ điều này)... Tôi không biết mình cần làm gì để cuộc sống dễ chịu hơn, chứ tiếp tục thế này tôi muốn ly dị chồng để cuộc sống nhẹ nhõm hơn... (N.Tr)
- Tư vấn của tiến sĩ tâm lý học Huỳnh Văn Sơn:
Trước nhất xin được chia sẻ với bạn về những suy nghĩ và thói quen của một người mẹ và một người cao tuổi. Không phải và không thể mẹ chồng được như mẹ ruột của bạn. Mặt khác, mẹ chồng của bạn có thể chưa thật sự hợp lý trong cách cư xử, nhưng bạn không nên trách cứ và không nên nói là “hận” bà như thế. Chính điều này sẽ tạo ra những thương tổn rất lớn trong quan hệ.
Dù biết bạn đang rất khổ sở, dù biết bạn đang rất căng thẳng nhưng nói đi thì cũng phải nói lại. Chồng bạn là con trai một, vậy ai sẽ là người lo hương lửa của gia đình? Bạn có thể kéo dài việc ở Sài Gòn bao lâu hay phải chăng là suốt đời? Nếu bạn muốn ở Sài Gòn, liệu khi mẹ chồng lên sống cùng thì sẽ ở đâu, bạn có thật sự thuyết phục được và thoải mái chung sống? Chuyện sĩ diện của người cao tuổi là chuyện rất bình thường, chuyện mẹ chồng bạn khoe cháu, khoe dâu cũng là chuyện nhẹ nhàng thôi...
Bạn lại bực bội một cách quá đáng như thế là chưa ổn. Nếu bạn biết đích thực là gia đình chồng rất bình thường về mặt kinh tế sao bạn còn trách cứ chuyện lo được hay không lo được cho bạn, sao bạn cứ căng thẳng về chuyện khó khăn mà không được quan tâm và giúp đỡ bằng hành động?
Thứ nữa, bạn cũng phải nhận ra người cần cố gắng thật nhiều đó là bạn và anh ấy. Chính bạn và anh ấy phải thống nhất được quan điểm cùng nhau. Thật sự rất khó tranh cãi về chuyện sống ở đâu là phù hợp nhưng bạn cũng sẽ đồng ý rằng sống ở đâu hòa thuận và đồng thuận sẽ đem lại hạnh phúc đích thực cho con người. Đừng tranh cãi hay đừng chống đối, sao bạn không thuyết phục chồng bạn.
Nếu cần biểu lộ sự không hài lòng về mẹ chồng, đâu nhất thiết chỉ có cách duy nhất là cứ thẳng băng băng? Chắc chắn cần có thuyết phục, thương lượng và thậm chí sẽ có một người hi sinh nhưng phải tính táo, thật kỹ lưỡng để cả hai người đều quyết tâm. Nếu làm được điều này, xung đột không đáng có sẽ được hạn chế một cách tối đa bạn nhỉ?
Thiết nghĩ cả hai bạn có cần phải ngồi lại với nhau để phân tích cái được và chưa được của hai người cũng như quan điểm của nhau trong cuộc sống? Đồng ý với bạn rằng mỗi người có thể "cứng" một chút vì cái tôi nhưng khi đã có con, khi đã có nhiều kỷ niệm thì nên biết hạn chế cái tôi của mình vì mục đích chung. Bạn có thể cùng anh ấy tính toán thu nhập của cả hai người, được và chưa được khi sống ở TP.HCM cũng như khi về quê chồng.
Chuyện học hành của con cái, chuyện hương lửa gia đình, chuyện công việc, chuyện nhà cửa... Có khá nhiều vấn đề cả hai phải tìm một không gian thoáng mát, một tâm trạng hợp lý, một cảm xúc bình ổn nhưng tích cực mới có thể chuyện trò...
Đừng quá cứng là thích hay muốn ở đây, ở kia mà việc hợp lý, hợp tình là điều cần nhất. Hi vọng bạn sẽ bình tâm đưa ra quyết định hợp lý.
TS HUỲNH VĂN SƠN
St..!
|