Trong các phim Tết năm nay, có lẽ đây là phim ít được review nhất. Thực ra mà nói, Lệ Phí Tình Yêu quá sạch sẽ và gọn gàng trong một mùa phim đầy các chiêu trò PR màu mè và những xì căng đan có chủ đích, vô số lời ca tụng và hàng loạt tiếng rủa xả. Giống như một cô gái áo sơmi trắng quần tây bị mất hút giữa những cô nàng tóc nhuộm uốn xoăn, se sua váy áo, dù cô ấy đẹp, đẹp một vẻ mộc mạc và chỉnh chu. Vậy nên tui thấy tiếc cho phim này, cá nhân tui nghĩ LPTY hoàn toàn xứng đáng đứng trong top 3 phim Tết năm nay.
Thực ra câu chuyện phim LPTY không có gì phức tạp, nếu không muốn là hết sức quen thuộc và công thức từ hồi A Đàm và Ế Vãi chính thức cắn trái táo lập hãng Apple: chàng nàng gặp nhau mà không biết đó là oan gia không đạp đất chung => chàng nàng bị thần cu-bít bắn tên vô đít => người thứ 3 từ đâu vô duyên chọt vô giữa 2 người => 1 trong 2 chàng nàng có tâm sự khó ở nên không thể tới được với nhau, làm chàng nàng chia tay dù người còn lại cay cú đau đớn => sau bao giông tố, chàng nàng cũng vớ được nhau => cả làng cùng zui.
Nhưng công thức là công thức, việc phim theo công thức và việc phim hay hay dở là 2 chuyện hoàn toàn khác nhau. Cũng giống như TMAH, quá trình thay đổi bản thân của người anh hùng cũng là một công thức, nếu dựng một đường dây câu chuyện không khéo, khán giả sẽ không hiểu vì sao cuối phim anh ta lại làm như vậy mà không làm thế kia, sao không đi đường bình thường ai cũng đi mà lặn sình lội lầy để đi hướng khác, ví dụ vậy. LPTY là một trường hợp dàn dựng khá ổn những tình tiết, mảng miếng để vừa cuốn khán giả theo một câu chuyện gọn gàng vừa thỏa mãn điều kiện rất cần thiết của phim Tết là làm khán giả cười.
Hoàng Phú/Lý Văn Giàu và Hiền Diệu, cặp oan gia của chúng ta mắc nợ nhau, nhưng không phải từ kiếp trước như các phim sến súa hay đổ lỗi, mà là mắc nợ theo đúng nghĩa đen của từ này. Hiền Diệu vốn làm nghề đòi nợ thuê thời nay, không phải cái loại giang hồ đầu gấu xăm trổ mà chúng ta hay mường tượng, mà là gái văn phòng xinh xắn ngồi gọi điện đòi nợ khách hàng vay không trả của ngân hàng. Còn con nợ Lý Văn Giàu là một diễn viên có tiếng nhưng không có tiền, bởi anh ta có một đứa em gái yếu hơn sên, bệnh lên bệnh xuống nên hết nhập viện rồi tới phẫu thuật liên miên. Những mâu thuẫn bắt đầu nảy sinh khi con nợ đẹp trai và đầu gấu xinh gái tình cờ gặp nhau, đụng chuyện từa lưa hột dưa rồi bắt đầu nảy sinh tình cảm tè le hột me…
Từ đó những chuyện hài hước cũng như cảm động bắt đầu xảy ra, khiến cho tui rất là có cảm tình với… 2 anh em nhà con nợ! Hơi trớ trêu, nhưng những cảnh cô bé em gọi cho anh lúc mệt, cách cô bé gọi anh là “Hai” rất là thân thương, rồi cảnh ông anh dù say xỉn cũng nhào vô bệnh viện gào thét như thằng điên để trấn an em mình khiến tui thấy tin vào tình cảm anh em họ. Nhờ đó tui thấy quyết định của Hoàng Phú gần cuối phim là hợp logic, và tin rằng những người dám hy sinh một phần thân thể cho nhau như vậy có thật ở ngoài đời.
Nói vậy không có nghĩa cặp nhân vật chính bị lu mờ. Chuyện tình mà Huy Khánh vàMinh Hằng diễn cũng có hơi lẹ quá, nhưng tui có thấy được cái tia lửa xẹt ra nho nhỏ giữa hai người. Để gọi là yêu nhau nồng cháy hay đắm say là sai bét bè be, mà cách diễn của hai người cho thấy đúng kiểu tình yêu sét đánh xiểng liểng phê phê xong lồm cồm bò dậy tìm hiểu nhau sau. Hai người tung hứng với nhau khá tốt, Huy Khánh đã cố gắng teen xuống một nấc, còn Minh Hằng thì già dặn lên một nửa nấc. Tóm lại là cũng vừa lứa xứng đôi, chứ như trong Vũ Điệu Đường Cong cặp diễn viên chính hơi chênh lệch về tuổi tác (phim này đánh giá tổng thể thì xem được, hài kiểu Mỹ, rất là sáng tạo, tuy nhiên sẽ nói ở 1 review khác… ko biết khi nào xong ). Nhìn chung cái kết không bất ngờ vẫn làm tui thấy rất là yêu đời sảng khoái, thấy vui cho các cặp đôi trong phim.
Minh Hằng vẫn rất dễ thương và nhí nhảnh như trong phim Giải Cứu Thần Chết, dù đóng vai mạnh bạo, đánh đấm ghê gớm mà nét teen ngập tràn từ ánh mắt đến điệu bộ. Nhưng rõ ràng vi một phim Tết hài hước vui vẻ, chẳng có cách diễn nào phù hợp hơn, và nhất là cách đó có thể lôi kéo một nhóm không nhỏ các bạn khán giả cũng teen cỡ đó trở lên đi coi phim. Cái này không phải tui chê đâu nha, chính ra tui rất thích sự tươi trẻ của Minh Hằng, vì ở cô nàng luôn toát ra vẻ lạc quan, yêu đời hiếm có. Đây là điểm gây ấn tượng mạnh nhất với tui, bởi dù tui đã ngán tận ót cái quảng cáo “Sao Hằng cứ vuốt tóc quài – Không có – Có – Không có mà” trên tv của bả, nhưng coi LPTY tui vẫn thấy thích. Tui nghĩ đó cũng là một thành công của bé Heo. Huy Khánh trong LPTY hoàn toàn biến thái, khoan các bạn đừng vội nghĩ xấu ảnh tội nghiệp, ý tui là hoàn toàn biến mất chất chơi của vai Thái – công tử Don Juan cặp 1 lúc 5 cô trong Cô Dâu Đại Chiến – cũng do anh đóng, hehe. Tui viết những dòng này khi đang xem lại CDĐC, nhìn cái mặt dâm tiện lừa lọc của cha Thái quá sức khâm phục tài biến hóa qua mỗi vai diễn của Huy Khánh. Bởi trong phim này, anh đóng những cảnh bi đát thiệt là xúc động, hài trớt quớt thiệt là mắc cười, và tất nhiên, đểu cáng vẫn thiệt là đáng ghét.
Một điều rất đáng khen là những tình huống cười của LPTY có duyên, không bị phô và bật ra từ chính tính cách của nhân vật. Ngay ở cách đặt tên cho nhân vật đã thấy hài hước, bởi nó hoàn toàn tréo ngoe thậm chí ngược ngạo với bản thân nhân vật đó. Cái vai bà chằn lửa, đấm bốc đùng đùng lại mang tên Hiền Diệu, còn bà nữ diễn viên đóng vai ác thì tên là Tâm. Con bé da xanh như đít nhái, đứng không nổi chứ đừng nói ngồi lại mang tên Mạnh, còn ku cậu tên Hùng Dũng mà nhát như thỏ đế, đòi nợ thỏ thẻ như tỏ tình. Hai ông nội nợ như chúa Chổm lại có tên thiệt là Lý Văn Giàu và Vũ Đại Gia, suốt ngày bị đòi nợ rượt chạy té khói. Thằng lùn tên Cao, con mập tên Mi Nhon, nói chung hoàn toàn ngược đời và tiếu lâm!
Cách xây dựng nhân vật tương đối rõ nét giúp những tình tiết xảy ra có sự hợp lý, ráp nối với nhau khá trọn vẹn. Tuy nhiên có một số tuyến câu chuyện còn thừa thãi chi tiết, chủ tâm gây cười nhưng vô thưởng vô phạt, không ảnh hưởng đến tuyến của 3 nhân vật chính. Dù rất mắc cười với vai Vũ Đại Gia, nhưng tui thấy một số cảnh liên quan tới nhân vật này có cũng được không có cũng sao, ví dụ như cảnh treo cổ lè lưỡi. Tui thích tuyến câu chuyện đoàn làm phim Con Nợ, 1 đoàn phim hư cấu trong phim, cũng đóng một vai trò quan trọng trong chuyện tình nghiệt ngã như ăn phải bả kia. Vốn thích mấy clip behind-the-scene, nên khi coi mấy cảnh của đoàn làm phim này tui thấy rất là sướng…
Ê kip phim Con Nợ, rất là bịnh
Một tràng pháo tay cho đạo diễn Nguyễn Minh Chung, bật mí là bác này có đóng 1 vai cameo cũng tếu
Cái kết phim quả thiệt là hơi hụt hẫng đôi chút. Chắc do đã từng coi quá nhiều clip flash mob, nào là quảng cáo T-mobile ở London, qc VTM ở Antwerp, flash dance 100 Single Ladies ở Piccadilly Circus, rồi gần đây là proposal flash mob của hai bạn Việt kiều Mỹ, nên tui hơi thất vọng đôi chút với cảnh flash mob cuối phim. Động tác nhảy hơi ít và chậm, dù đông người nhảy nhưng thiếu hẳn kịch tính kiểu 1 số ít người ra nhảy rồi dần dần đông lên. Ở đây chắc do cầu chật quá nên góc quay bị giới hạn, thấy nhiều cảnh toàn chứ ít có cảnh trung hoặc cận. Bù lại mấy bạn diễn viên nghiệp dư nhảy khá nhiệt tình và dễ thương. Tui để ý nhiều bạn còn hát theo nữa mới ghê, chắc fan của Minh Thư quá hehe.
Flash mob VN, hơi tiếc………
Tóm lại, Lệ Phí Tình Yêu là phim hài đáng xem vì sự tròn trịa và sạch sẽ của nó. Nói chơi cho vui chứ với tình hình người người đi xem HC3, lớp lớp về chửi thì những phim hài làm đàng hoàng như LPTY sẽ có đất sống những năm về sau. Tui không tin phép thần thông của Phước Sang sẽ còn tác dụng ở mùa Tết năm sau. Bởi riết rồi phong cách hài tào lao của “cô Ba” sẽ héo hon già cỗi tới nỗi hóa thành “bà Ba”, ít ai thèm mua vé coi kiểu chọc cười nhăn nheo sồ sề đó nữa. Cứ tin vậy cho đời nó đẹp.
Link:
http://lephitinhyeu.wordpress.com/20...tinhngangtrai/