Có người bảo anh là “người hùng” của ngành kinh doanh du lịch khách sạn. Có người lại bảo anh là điển hình của ngành nuôi trồng thuỷ hải sản XK với 2.800 ha diện tích nuôi trồng, năng suất trên 14.000 tấn tôm và 17.000 tấn hàu mỗi năm... Cũng có người bảo anh là một doanh nhân mang nặng nghĩa tình, luôn đau đáu nỗi niềm tri ân quá khứ. Anh là ai? Đêm ven bờ Vịnh Hạ Long, khách sạn Plaza kiêu hãnh hắt lên bầu trời đen thẫm những quầng sáng lung linh huyền ảo. Tôi như lạc trong miền cổ tích. Và câu hỏi: “Anh là ai?” vẫn chưa có lời đáp và chưa đến hồi kết thúc...
Trong quá khứ và hiện tại, làng DN VN có một người được dư luận biết đến từ lâu bởi những đóng góp của anh vào sự nghiệp phát triển kinh tế chung của đất nước. Người ta biết đến anh không chỉ qua những công trình do anh đầu tư xây dựng, mang lại hiệu quả to lớn về kinh tế - xã hội, mà là những công việc từ thiện trong chương trình xoá đói giảm nghèo, giúp đỡ xây dựng nhiều trường học, xây dựng các nhà tình thương, nhà tình nghĩa, phụng dưỡng các bà mẹ VN anh hùng, những người gặp hoàn cảnh cơ nhỡ khó khăn, những người khuyết tật, giúp đỡ học sinh nghèo vượt khó ở nhiều tình thành trong cả nước. Trong năm qua, anh đã cùng cán bộ CNV của Cty tình nguyện đóng góp hơn 5 tỷ đồng để xây dựng một trường học khang trang cùng với thiết bị hiện đại tại tỉnh Quảng Ninh, tham gia xây dựng nhà tình nghĩa, tặng gia đình chính sách, thương binh thuộc huyện Tiên Yên với giá trị 300 triệu đồng, ủng hộ lễ hội Hạ Long năm 2007 200 triệu đồng cùng nhiều hoạt động từ thiện xã hội khác. Anh là kỹ sư Đoàn Quốc Việt - Tổng Giám đốc Cty TNHH Đầu tư phát triển sản xuất Hạ Long - Cty cổ phần thuỷ sản BIM.
Năm 2010, Đoàn Quốc Việt cùng các cổ đông đã sáng lập và đưa vào hoạt động Hãng hàng không tư nhân
Air Mekong với biểu tượng Sếu đầu đỏ
Đoàn Quốc Việt sinh ra và lớn lên ở Thủ đô Hà Nội. Năm 1976, tốt nghiệp Trường đại học Bách khoa. Ra trường với tấm bằng giỏi, anh được nhận vào làm việc tại Viện nghiên cứu kỹ thuật điện. Năm 1986, anh được cử sang Ba Lan làm ở Viện nghiên cứu Sinh học. Tại đây, sau thời gian phấn đấu làm việc và đưa ra nhiều sáng kiến trong quá trình thực hiện đề tài khoa học về động thực vật, anh được các chuyên gia của Viện đánh giá rất cao về trình độ nghiên cứu cũng như năng lực phát huy công việc. Sau khi hoàn thành nhiệm vụ ở Ba Lan, năm 1989 anh trở về nước. Cũng trong thời gian này, Chính phủ cho phép 5 thành phần kinh tế được kinh doanh sản xuất. Hưởng ứng tinh thần đó, anh vui mừng huy động hết vốn liếng của gia đình, vay mượn bạn bè, ngân hàng để lao vào hoạt động kinh doanh. Dựa vào những kiến thức được học và thực tế, anh đã lập được nhiều đề án xây dựng chiến lược kinh doanh. Một trong những đề án của anh được gia đình và bạn bè ủng hộ nhất đó là đề án về Đầu tư phát triển du lịch khách sạn. Để biến ước mơ thành hiện thực, anh lên đường tìm đến những nơi có tiềm năng phát triển du lịch tốt. Sau khi khảo sát tình hình thực tế tại các tỉnh thành phía Bắc, anh nhận thấy Quảng Ninh là mảnh đất có thể thỏa mãn khát vọng lớn của mình bởi cơ chế thu hút các nhà đầu tư. Hơn nữa, Quảng Ninh còn là một tỉnh giàu tài nguyên thiên nhiên, có tiềm năng về du lịch, dịch vụ, vận tải biển, có đường giáp biển thuận lợi cho việc xây dựng đô thị biển, nuôi trồng và xuất khẩu thuỷ hải sản. Đầu năm 1994, anh Đoàn Quốc Việt quyết định thành lập Cty và một loạt dự án lớn được hình thành mà khởi đầu là dự án khách sạn Plaza, nằm ven bờ Vịnh Hạ Long, với tổng mức đầu tư vốn ban đầu là 11 triệu USD. Khách sạn được xây dựng với quy mô 200 phòng, cao 13 tầng, đạt tiêu chuẩn quốc tế 4 sao. Tháng 5-1997, khách sạn Plaza được đưa vào hoạt động đúng như dự đoán của anh Việt: Nếu một khách sạn được đầu tư lớn về thiết bị, có địa điểm lý tưởng và tinh thần phục vụ chu đáo thì sẽ thu hút được khách quốc tế rất đông. Sau chưa đầy một năm, khách sạn đón hàng chục nghìn khách trong nước và quốc tế, doanh thu đạt hàng chục tỷ đồng và được bầu chọn là một trong những khách sạn cao cấp, phục vụ khách tốt nhất tại VN.
Giám đốc Đoàn Quốc Việt giới thiệu với Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng
dự án chế biến muối xuất khẩu Quán Thẻ, Ninh Phước, Ninh Thuận. Là người có tầm nhìn chiến lược, năm 1999 nhận thấy ở Quảng Ninh có đường biển biên giới giáp Trung Quốc, lượng khách buôn bán và du lịch từ Trung Quốc vào rất đông. Trước tình hình đó, anh Việt bàn với toàn thể CBCNV quyết định đầu tư vào vận tải biển. Chủ trương của anh đưa ra được toàn thể CBCNV nhiệt tình hưởng ứng và đội tàu cao tốc cánh ngầm Mũi Ngọc với năng lực vận chuyển hàng nghìn khách/ngày được ra đời phục vụ các tuyến Hạ Long - Móng Cái, Hạ Long - Hải Phòng. Sau chưa đầy một năm hoạt động dự án này đã mang lại hiệu quả kinh tế cao. Điều đặc biệt đã mở ra con đường thuỷ thuận tiện cho khách buôn bán và khách du lịch quốc tế.
Thành công tiếp nối thành công. Khát vọng thắp lên khát vọng. Không bằng lòng với kết quả đạt được, năm 1999, thực hiện chương trình “đổi đất lấy hạ tầng” anh lại tiếp tục đầu tư tuyến đường bao biển Hùng Thắng với chiều dài 4,2 km, rộng 42 m, tổng vốn đầu tư gần 100 tỷ đồng. Tiếp đó là dự án khu đô thị mới Hùng Thắng được Cty đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng gồm nhiều hạng mục như: Trung tâm du lịch thương mại, khu nghỉ dưỡng, biệt thự biển, khu vui chơi, khách sạn 5 sao…
Có người bảo anh là người may mắn trên con đường chinh phục đỉnh cao sự nghiệp của mình. Nhưng họ đâu có biết, cái “may mắn” ấy là kết quả của những tháng ngày thấm đẫm bao giọt mồ hôi của chàng sinh viên trẻ tuổi mang trong mình nhiều khát vọng. Việt không nhớ anh đã ngốn bao nhiều sách vở, bao nhiều lần lang thang trong các ngõ ngách của phố phường Hà Nội cũng như ở trời Tây để tìm kiếm và nghiên cứu những công trình xây dựng có kiến trúc đẹp với mong muốn bù đắp lại những gì còn thiếu trong sách vở. Miệt mài và đam mê, như dòng sông nhỏ bồi đắp phù sa để tự trang bị cho mình hành trang vào đời.
Theo thời gian, Đoàn Quốc Việt đã từng bước khẳng định mình trong làng doanh nhân VN. Từ những năm 2000, không ít DN kinh doanh chế biến thuỷ hải sản lâm vào tình trạng lao đao, thậm chí phá sản, song bằng tố chất của một kỹ sư nghiên cứu Sinh học đã từng được các chuyên gia nước ngoài đánh giá cao về tài năng nghiên cứu khoa học, anh Đoàn Quốc Việt lại bắt tay vào triển khai dự án mới: Nuôi trồng và chế biến thuỷ hải sản đặc biệt là giống tôm điển hình đạt năng suất cao ở các tỉnh Kiên Giang, Bình Thuận, Quảng Ninh…mà trung tâm gây giống I của Cty đặt tại đảo Phú Quốc chuyên cung ứng nguồn con giống sạch bệnh, chất lượng cao, được kiểm định nghiêm ngặt sau khi đánh bắt từ Ấn Độ Dương. Trung tâm biệt lập với khu dân cư nhằm đảm bảo vệ sinh nguồn nước và môi sinh. Trại nuôi tôm II ở Kiên Giang có diện tích hơn 2500 ha được áp dụng công nghệ vi sinh trong nuôi tôm và quản lý môi trường, hàng năm cung ứng từ 12 - 15 tấn, tôm được đưa cho nhà máy với thời gian vận chuyển chỉ trong 2 giờ. Nhà máy đặt tại Kiên Giang được thiết kế theo tiêu chuẩn HACCP, sử dụng thiết bị của hãng MYCOM, công suất 10 ngàn tấn/năm với các sản phẩm chế biến gồm: tôm loại HOSO, HLSO, PD/PUD, SHUSHI, NOBASHI, Hàu đông lạnh và các sản phẩm theo đơn đặt hàng. Mô hình này tuyệt đối không sử dụng kháng sinh, nguồn gốc rõ ràng và thoả mãn yêu cầu khắt khe của các thị trường nhập khẩu trên thế giới. Anh Việt hồ hởi:
“Mô hình chế biến của chúng tôi đạt tiêu chuẩn theo đánh giá của Hiệp hội chế biến và xuất khẩu thuỷ sản VN (VASEP). Để thực hiện thành công mô hình này, chúng tôi cũng gặp không ít khó khăn trong việc xây dựng cơ sở hạ tầng, tuyển dụng lao động vì các dự án này đều triển khai ở các vùng sâu vùng xa, vùng có điều kiện kinh tế khó khăn, điện, nước, giao thông không thuận tiện. Song bằng sự tâm huyết với nghề, sự nỗ lực của đội ngũ CBCNV trong Cty cùng với sự giúp đỡ tạo điều kiện của các ban ngành từ Trung ương đến địa phương, chúng tôi đã khắc phục và triển khai tốt dự án này trong thời gian ngắn”.