Từ khi chuyển sang kinh doanh phần mềm diệt virus Bkav, những phát ngôn của Nguyễn Tử Quảng luôn bị soi rất kỹ. Thế nhưng, chàng “Hiệp sĩ” trước đây vẫn tiếp tục làm những việc chẳng giống ai.
Khi còn là sinh viên năm thứ ba của trường Đại học Bách khoa Hà Nội (1995), Nguyễn Tử Quảng đã bắt đầu viết phần mềm diệt virus Bkav. Thời điểm đó, số lượng virus ít, có khi nửa tháng mới có một loại mới nên công việc cho phần mềm này cũng không nhiều. Sáng đi học, chiều hoặc tối Quảng về mày mò cùng những dòng virus mới. Sau khi có phiên bản cập nhật, anh đem phân phát cho các bạn của mình thông qua đĩa mềm.
Chuyển sang kinh doanh Nguyễn Tử Quảng vẫn tiếp tục làm những việc khác người.
Ảnh nhân vật cung cấpNăm 1997, khi Internet bắt đầu xuất hiện ở Việt Nam, Quảng gửi các bản Bkav mới qua email cho tất cả những người quan tâm. Máy di động của anh cũng kiêm luôn tổng đài giải đáp thắc mắc những vấn đề về virus và được công khai ngay dưới email gửi đi. Lúc đó, Internet của Việt Nam vẫn sử dụng dial up nên rất chậm và hay trục trặc. Mỗi lần Quảng gửi phần mềm diệt virus mới cho mọi người phải mất rất nhiều thời gian bởi cứ phải kết nối đi, kết nối lại nhiều lần.
Tốt nghiệp đại học, Quảng làm giảng viên tại trường và đi làm thêm nhiều công việc khác nhau để lấy tiền nuôi đam mê diệt virus. Thế nhưng, càng dấn sâu vào lĩnh vực này, Quảng càng lo lắng hơn khi sức lực của mình quá nhỏ bé. Trước đây, anh chỉ cần bỏ ra một vài giờ mỗi ngày là thừa đủ thời gian cho những loại virus mới.
Khi Internet xuất hiện, Quảng bỏ hầu hết thời gian trống để viết phiên bản mới mà vẫn cảm thấy hụt hơi. Từ đó, Quảng nảy ra ý nghĩ tập hợp một số bạn bè, anh em có cùng niềm say mê vào một nhóm, chung tay làm các phiên bản diệt virus mới. Giống như Quảng, những thành viên mới cũng phải đi làm nhiều việc khác nhau để nuôi bản thân và dành tiền, thời gian cho niềm đam mê… không tiền.
Chính vì những cống hiến vô điều kiện cho cộng đồng trong nhiều năm mà Quảng được mệnh danh là “Bác sĩ máy tính” hay “Hiệp sĩ Công nghệ Thông tin”. Anh cũng được coi là một chuyên gia máy tính chẳng giống ai bởi những người am hiểu về công nghệ thông tin đều đi làm kinh doanh và kiếm được nhiều tiền, còn Quảng lại hăng hái và nhiệt tình làm những việc miễn phí.
Thế nhưng, cùng với việc phổ cập Internet, những dòng virus mới có tốc độ sinh sản chóng mặt khiến Công ty an ninh mạng Bkav của Quảng bị quá tải. Nhóm viết phần mềm diệt virus dù cống hiến gần như toàn bộ thời gian, công sức cũng không đủ đáp ứng nhu cầu của người dùng. “Chúng tôi cần thêm rất nhiều người chung sức nhưng không thể bắt tất cả phải làm miễn phí như mình. Thêm vào đó, nếu chúng tôi đã dành toàn bộ thời gian và công sức cho niềm đam mê phần mềm diệt virus mà không có nguồn thu từ đó thì không thể duy trì cũng như phát triển bền vững được”, Quảng tâm sự.
Năm 2005, sau 10 năm cung cấp miễn phí, “Hiệp sĩ Công nghệ Thông tin” chính thức thương mại hóa Bkav. Cùng với việc chuyển sang kinh doanh, Quảng chọn slogan cho công ty của mình là “Hãy làm việc hết mình, những điều tốt đẹp sẽ đến với bạn”. Bản thân Nguyễn Tử Quảng thừa nhận: “Lúc ban đầu, tôi thấy câu mình chọn rất cải lương bởi theo các chuyên gia về thương hiệu, với slogan công ty, không ai chọn một câu dài như vậy. Đây là chưa kể đến việc, khẩu hiệu này không nói gì đến khát vọng phát triển hay định hướng khách hàng của công ty”.
Tuy nhiên, anh vẫn quyết định chọn một slogan chẳng giống ai cho công ty của mình với lý do: “Mình tin vào điều đó nên cứ làm thôi”. Quảng cho rằng một công ty mạnh phải xuất phát từ nhân viên, tất cả đều hết mình thì khát vọng sẽ được thực hiện, khách hàng sẽ được phục vụ với cả cái Tâm chứ không chỉ là mối quan hệ trên thị trường.
Triết lý này cũng được thể hiện ngay trong việc tuyển người của Bkav. Những người làm việc nhiệt tình, hết mình sẽ được ưu tiên chứ không phải những người thông minh và kỹ năng tốt. “Kinh nghiệm của chúng tôi cũng cho thấy, nếu như cứ làm việc hết mình thì một nhân viên dù ban đầu có hơi kém cũng sẽ phát triển rất nhanh sau đó và cống hiến nhiều hơn cho công ty so với những người thông minh, kỹ năng tốt nhưng kém nhiệt tình”, Quảng chia sẻ.
Trong thời kỳ đầu, không có nhiều người để ý đến việc phải bỏ giầy dép ở bên ngoài và đi chân đất vào Công ty an ninh mạng Bkav. Thế nhưng, khi quy mô đã lên tới hơn 800 người và ở khu văn phòng chính có lượng nhân viên tới hơn 600, quy định này vẫn được duy trì. Với số lượng nhân viên đông như vậy, có lẽ Bkav là công ty hiếm hoi ở Việt Nam đi chân đất trong văn phòng.
Tất cả nhân viên hay khách khi vào Bkav đều bỏ dép ở bên ngoài. Ảnh:
Hoàng HàĐể duy trì được việc đi chân đất trong công ty, các yêu cầu về thảm và vệ sinh ở bên trong văn phòng phải cực kỳ nghiêm ngặt. Bên cạnh đó, hệ thống tủ đựng giày dép phía bên ngoài phải được thiết kế rất kỹ lưỡng để tránh nhầm lẫn, lộn xộn hoặc mất mát cho hàng trăm nhân viên cùng một lúc. Công sức và tiền bạc phải bỏ ra để thực hiện một việc rất nhỏ như thế này là điều rất ít đơn vị muốn làm bởi lợi ích thu được là không rõ ràng.
Thế nhưng, với Quảng, việc đi chân đất trong công ty thể hiện một triết lý rất quan trọng mà anh muốn chia sẻ với nhân viên: Coi công ty như ngôi nhà thứ hai của mình. Anh phân tích: “Khi về nhà, ai cũng bỏ giầy dép và đi chân đất. Nếu mình nói với mọi người hãy coi công ty là ngôi nhà thứ hai mà họ không có những điều kiện và cảm giác như vậy thì cũng vô nghĩa”.
Ngoài việc đi chân đất trong văn phòng, các toilet của Bkis cũng được bố trí dép chuyên biệt để đi, hệt như ở gia đình. Bên cạnh đó, tất cả các nhân viên của công ty đều được phát gối và chăn miễn phí để ngủ trưa và kéo theo đó là một hệ thống tủ đựng đồ riêng cho nhân viên để tránh tình trạng lộn xộn, bừa bãi của những vật dụng này.
Chưa hết, Quảng còn đầu tư xây dựng riêng một bếp ăn cho công ty với các nguồn rau sạch, thịt sạch được nhập từ các nhà cung cấp có thương hiệu để đảm bảo chất lượng bữa ăn trưa cho nhân viên. Toàn bộ quy trình chế biến cũng như đầu bếp đều là người của Bkav chứ không thuê ngoài, giúp công ty chủ động quản lý được chất lượng an toàn vệ sinh thực phẩm. Giá một bữa trưa chất lượng cao tại đây cũng chỉ tương đương với giá cơm bụi văn phòng (17.000 đồng một suất) bởi được công ty tài trợ.
Quảng tâm sự: “Bkav cũng muốn cung cấp bữa trưa miễn phí cho nhân viên như Google đang làm nhưng chưa đủ điều kiện. Khi công ty phát triển tốt hơn, chúng tôi cũng sẽ làm điều đó”.
Ngoài việc phát chăn, gối, Nguyễn Tử Quảng còn muốn cung cấp bữa trưa miễn phí cho mọi nhân viên khi công ty phát triển hơn. Ảnh:
Hoàng HàSau hơn 5 năm thương mại hóa sản phẩm diệt virus, Quảng nhận thấy rằng, một năm làm kinh doanh, Bkav có tiến bộ bằng 10 năm cung cấp miễn phí. Nếu như trước đây phần mềm bị lỗi, gặp trục trặc, người dùng không mấy khi phàn nàn về Bkav hoặc cá nhân Quảng trên các diễn đàn. Giờ đây, bất cứ một lỗi nhỏ của sản phẩm hay phát ngôn hơi khác thường nào của Tổng giám đốc Bkav đều nhận được cái nhìn vô cùng khắt khe của cộng đồng mạng cũng như giới truyền thông.
Từ danh hiệu “Bác sĩ máy tính”, “Hiệp sĩ Công nghệ Thông tin”, Nguyễn Tử Quảng có thêm biệt danh mới là Quảng “Nổ”, “Quăng bom” vì những phát ngôn của mình. Ban đầu, Tổng giám đốc Bkav bị sốc.
Sau những hụt hẫng về cảm giác với biệt danh mới, chàng “Bác sĩ máy tính” năm xưa đã quen dần, thậm chí còn phát hiện ra những điểm tích cực từ sự giám sát khắt khe của công chúng đối với công việc của mình. Giờ đây, người đứng đầu Bkav coi những lời chỉ trích đối với sản phẩm cũng như cá nhân anh là những phản biện cần thiết giúp mình không bị ảo tưởng, luôn cân bằng và tiếp thêm động lực cho mình đi tiếp.
Qua mỗi lần bị chỉ trích, Quảng thường cùng đồng nghiệp xem lại sản phẩm và chính bản thân mình để có những thay đổi tốt hơn. Tuy nhiên, anh vẫn tin rằng, người Việt Nam có thể làm ra các sản phẩm công nghệ ngang hàng, thậm chí tốt hơn so với các hãng danh tiếng trên thế giới.
Chiếm thị phần áp đảo về thị phần sản phẩm diệt virus ở trong nước, Quảng đặt mục tiêu tiến ra thị trường toàn cầu. Anh cũng bắt đầu với việc cung cấp miễn phí phần mềm Bkav phiên bản quốc tế. Slogan về tiếng Việt được anh đổi sang tiếng Anh là: “Do your best, the rest will come”. Tổng giám đốc của Bkav chia sẻ, anh cảm thấy hài lòng với slogan bằng tiếng Anh bởi nó ngắn hơn và cũng “bớt cải lương hơn với vế thứ hai không cần nhắc tới sự thành công, bởi đơn giản nỗ lực hết mình theo thời gian rồi thành công sẽ tự đến".
“Nếu như trước đây tôi nói là sản phẩm công nghệ của Việt Nam có thể sánh ngang, thậm chí tốt hơn của nước ngoài thì nhiều người cho rằng tôi ‘nổ’. Thế nhưng, thông qua kết quả đánh giá độc lập của những tổ chức kiểm định phần mềm diệt virus danh tiếng của thế giới như Virus Bulletin, những người quan tâm đến Bkav sẽ hiểu rõ hơn về công việc của chúng tôi làm. Nếu tôi nói không đúng, sản phẩm không tốt thì kết quả kiểm định độc lập của những tổ chức danh tiếng sẽ khiến những điểm yếu bộc lộ ngay”, anh nói.
Rồi Quảng tâm sự, hiện vẫn còn nhiều người chưa tin vào việc một sản phẩm công nghệ Việt Nam có thể tốt hơn của các hãng nổi tiếng trên thế giới. Đây sẽ là một thách thức lớn mà anh cùng những đồng nghiệp tại Bkav phải vượt qua trong thời gian tới. “Nếu chúng tôi tạo ra được niềm tin đó thì nhiều người khác cũng sẽ tự tin hơn vào khả năng cạnh tranh của người Việt Nam và điều đó sẽ thật tuyệt vời. Tất nhiên là làm được điều này sẽ không dễ dàng nhưng nó làm cho chúng tôi thêm phấn khích”, anh chia sẻ.